Trang chủ | Giới thiệu | Sơ đồ trang

Xăng tăng giá - Làm sao để tiết kiệm xăng ô tô, xe máy ?

Không có nhận xét nào

 

Tiết kiệm xăng

Xăng là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày, phục vụ đi lại, vận tải và chạy các máy cơ giới chuyên dụng khác, chính vì vậy dù có tăng giá xăng nhưng chúng ta vẫn phải mua để sử dụng đảm bảo cuộc sống sinh hoạt diễn ra bình thường.

Với sự biến động giá xăng trên thị trường mà đặc biệt là tình trạng tăng giá thì nhiều giảm thì ít, tăng lên không biết đường giảm xuống, giảm 1 thì tăng 10 như hiện nay đặt ra cho chúng ta bài toán kinh tế nan giải về việc làm sao để tiết kiệm xăng mà không làm ảnh hưởng đến nhịp độ sinh hoạt hàng ngày ?

Dưới đây mình xin chia sẻ một vài kinh nghiệm tiết kiệm nhiên liệu đối với các phương tiện tham gia giao thông như ô tô, xe máy?

1. Hiểu về nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong

Động cơ đốt trong là kiểu động cơ sử dụng điện kết hợp với buri phóng điện làm kích nổ hỗn hợp nhiên liệu không khí trong buồng đốt động cơ làm cho không khí dãn nở đẩy pít-tông di chuyển dẫn động các trục quay. 

Động cơ đốt trong trên các phương tiện ô tô, xe máy hiện nay thường trang bị động cơ 4 thì, có nghĩa là chu kỳ hoạt động của động cơ được thực hiện qua 4 giai đoạn đó là: (1) nạp hay bơm hỗn hợp nhiên liệu không khí vào buồng đốt → (2) pít-tông nén hỗn hợp nhiên liệu không khí ở áp suất rất cao → (3) buri đánh tia lửa điện kích nổ hỗn hợp nhiên liệu không khí → (4) xả khí thải ra ngoài buồng đốt đi qua ống xả và ra ngoài môi trường.

Về công nghệ động cơ hiện nay có động cơ phun xăng điện tử về bản chất nguyên lý hoạt động, động cơ phun xăng điện tử là giống với động cơ chế hòa khí truyền thống, tuy nhiên khác nhau ở chỗ cơ chế tiếp nhiên liệu. Động cơ phun xăng điện tử tiếp nhiên liệu một cách chủ động thông qua các cảm biến (nhiệt độ, ôxy, áp suất,...) kết nối với một mạch điện tử xử lý trung tâm (ECU) để điều khiển và tính toán chính xác thời điểm cần phải kích hoạt đầu phun và lượng nhiên liệu cần thiết vào buồng đốt. Còn động cơ chế hòa khí thực hiện nạp nhiên liệu thụ động bằng cách khi pít-tông di chuyển ra xa khỏi van nạp nhiên liệu sẽ tạo ra một khoảng trống với áp suất âm làm cho van nạp nhiên liệu từ cổ chế hòa khí bị kéo mở dẫn theo dòng hỗn hợp nhiên liệu không khí vào buồng đốt. Như vậy, về mặt lý thuyết với cùng thông số phân khối động cơ phun xăng điện tử có khả năng tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ chế hòa khí do có khả năng tính toán chủ động lượng nhiên liệu cần thiết hạn chế bơm thừa nhiên liệu.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu hao nhiên liệu của động cơ

- Thiết kế động cơ: như phân tích trước, thiết kế động cơ ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu, trong đó động cơ sử dụng công nghệ phun xăng điện tử có khả năng tiết kiệm xăng tốt hơn động cơ chế hòa khí.

- Trọng lượng, khối lượng tải và lực cản không khí: khối lượng tải kể cả trọng lượng thân xe và lực cản gió càng lớn thì động cơ càng phải huy động lực momen (lực vặn xoắn trục quay) càng lớn, buộc người điều khiển xe phải nhấn ga mạnh hơn để tăng vòng tua máy át chế lực cản điều này khiến động cơ phải bơm, nạp nhiên liệu nhiều hơn mức bình thường.

- Tốc độ di chuyển hay vòng tua động cơ: thông thường khi điều khiển xe với tốc độ càng nhanh thì đòi hỏi vòng tua máy động cơ phải càng nhanh, mà khi tốc độ vòng tua máy cao thì thời gian để hoàn thành một chu kỳ 4 thì của động cơ sẽ nhanh hơn đồng nghĩa với việc số lần bơm, hút nhiên liệu tăng lên so với lúc ta chi chuyển chậm với vòng tua thấp. Ngoài ra, đối với những xe có thiết kế hộp số sàn (ô tô) hay xe số (xe máy) khi di chuyển với cấp số càng thấp thì vòng tua máy càng cao do vậy về lý thuyết trên cùng một đoạn đường khi điều khiển xe với cấp số thấp hơn sẽ tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn khi di chuyển với cấp số cao hơn chẳng hạn khi di chuyển phương tiện với số 3 sẽ tiêu hao nhiên liệu hơn khi để số 4. Đối với những phương tiện trang bị hộp số tự động vô cấp thì tốc độ càng cao càng tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn và ngược lại.

- Dung tích xi-lanh (phân khối) động cơ: phân khối động cơ ảnh hưởng đến lượng nhiên liệu được bơm vào, về lý thuyết động cơ có phân khối càng lớn thì cần lượng nhiên liệu mỗi lần nạp phải nhiều hơn và ngược lại do vậy động cơ có phân khối lớn hơn thì lượng tiêu thụ nhiên liệu sẽ nhiều hơn.

3. Rút ra một số kinh nghiệm tiết kiệm nhiên liệu là gì ?

- Lựa chọn phương tiện tham gia giao thông: nếu có điều kiện lựa chọn phương tiện để đi và với bài toán kinh tế đặt lên hàng đầu thì nên lựa chọn các loại phương tiện đời mới sẽ được trang bị các công nghệ tối ưu nhiên liệu, về mặt kỹ thuật chế tạo cơ khí càng về sau sẽ càng được cải tiến và tối ưu hơn đời trước. Cụ thể, đối với xe máy nên ưu tiên chọn xe có trang bị phun xăng điện tử, nếu vận hành trên đường đồi núi thì lựa chọn xe số (số sàn) vì đặc điểm của xe số là toàn bộ chuyển động quay của động cơ sẽ được chuyển hóa thành lực kéo xe di chuyển trong khi xe số tự động hay xe ga để kéo xe di chuyển động cơ phải tăng tốc đến một tốc độ nhất định mới kéo chuyển động được côn ly hợp gắn với trục bánh xe. Nếu chỉ để di chuyển đi lại thì lựa chọn xe có phân khối thấp hơn sẽ đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu hơn. 

So sánh giữa xe ô tô có động cơ 1.4 lít với động cơ 2.4 lít với điều kiện vận hành trên đường hỗn hợp có thể thấy xe có động có 1.4 lít tiêu thụ khoảng 5,8 - 8 lít xăng /100km, còn xe có động cơ 2.4 lít tiêu thụ khoảng 12 - 15 lít xăng /100km, nghĩa là mức tiêu thụ nhiên liệu tỷ lệ thuận với độ lớn dung tích động cơ.

- Thay đổi thói quen điều khiển phương tiện giao thông: thông thường hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông theo cảm tính và sở thích riêng không thực sự tối ưu trong việc sử dụng nhiên liệu. Dựa trên những hiểu biết về nguyên lý hoạt động của động cơ, các yếu tố ảnh hưởng đến lượng tiêu hao nhiên liệu và những trải nghiệm thực tế để tối ưu sử dụng nhiên liệu ta cần xây dựng cho mình một thói quen điều khiển xe hợp lý, cụ thể: khi di chuyển xe không điều khiển xe đi quá nhanh (tạo ra lực cản gió lớn làm tăng vòng tua máy) hoặc quá chậm (kéo dài thời gian di chuyển), hạn chế các thao tác nhấn ga thả ga khi không cần thiết kết hợp với sử dụng phanh nhịp nhàng không phanh gấp, khi sang số từ cấp số cao xuống cấp số thấp phải giảm tốc độ mới chuyển số rồi tăng tốc một cách từ từ đến khi đạt được quán tính di chuyển cần thiết thì phải chuyển lên cấp số cao hơn đảm bảo xe di chuyển lúc nào cũng có lực quán tính (đà) ổn định không bị đuối, không bị thừa quán tính. Kinh nghiệm cho thấy khi di chuyển xe có tiếng nổ êm đều không bị chói, cảm giác xe di chuyển có lực ổn định là lúc đó đạt được trạng thái cân bằng tối ưu nhất về tiêu thụ nhiên liệu.

- Lựa chọn loại nhiên liệu phù hợp với động cơ: trên thị trường hiện nay có các loại xăng RON-A92, A95, E5 trong đó xăng E5 tương đương với A92 vì bản chất của xăng E5 là sự pha trộn giữa xăng A92 với nhiên liệu sinh học với tỉ lệ 95:5. Vậy nên dùng xăng A95 hay A92, E5 ? Về giá cả, xăng A95 luôn cao hơn xăng A92 và E5, xăng A95 là xăng có chỉ số Octa cao chống kích nổ cao còn các loại xăng A92 và E5 thì các chỉ số thấp hơn, tuy nhiên điều này không có nghĩa là xăng A95 tốt hơn hay tiết kiệm hơn là không phải, xăng A95 phù hợp với các loại động cơ có tỷ số nén cao từ 10:1 trở lên sẽ giúp kích nổ hoàn toàn lượng xăng bơm vào buồng đốt tại thời điểm lực nén đạt cực đại giúp động cơ đạt được hiệu suất cao còn xăng A92, E5 phù hợp với động có có tỷ số nén dưới 10:1 khi đó hiệu suất đốt cháy nhiên liệu và tạo ra lực đẩy tốt nhất. 

Để dễ hiểu ta thí dụ thế này, với động cơ có tỷ số nén cao khoảng 11:1 khi ta đổ xăng A92 hoặc E5 do đặc tính chống kích nổ thấp tức là dễ bốc cháy nên khi được bơm vào buồng đốt trong khi động cơ chưa đạt tỷ số nén tối đa đã bốc cháy làm cho hiệu suất động cơ không đạt làm cho xe hoạt động bị đuối, hụt (khó nhận thấy nhưng thực tế là có), hoặc với một động cơ có tỷ số nén khoảng 9:1 khi ta đổ xăng A95 do đặc tính chống kích nổ cao tức khó bốc cháy nên khi được bơm vào buồng đốt trong khi động cơ đã đạt lực nén tối đa nhưng hỗn hợp xăng vẫn chưa cháy hết làm cho một lượng xăng bị lãng phí vừa không đạt hiệu suất động cơ. 

Tóm lại, nếu sử dụng động cơ có tỷ số nén cao thì nên đổ xăng A95, còn lại nên đổ xăng A92 và E5 để đảm bảo hiệu suất hoạt động của động cơ tốt nhất cũng là tiết kiệm nhiên liệu nhất.

- Cuối cùng: hạn chế điều khiển phương tiện xe cơ giới khi không thực sự cần thiết, tăng cường đi bộ vừa đảm bảo rèn luyện sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí.

Bạn đọc có kinh nghiệm gì hay ho xin chia sẻ ở phần bình luận nhé.



[A92-22570]

Nếu bạn thực sự quan tâm đến nội dung bài viết xin để lại những ý kiến đóng góp vào khung bên dưới. Mỗi ý kiến đóng góp của độc giả là những chỉ dẫn quý báo để chúng tôi cung cấp những nội dung hữu ích hơn tới độc giả.